Hòa vào xu hướng Bod-Mod đang rất thịnh hành hiện nay, xỏ khuyên là một trong những hình thức làm đẹp giúp người trẻ hiện đại khẳng định cá tính nổi bật và phong cách độc đáo của mình. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin hữu ích về các vị trí xỏ khuyên trên cơ thể cũng như những vấn đề cần lưu ý trước khi bạn quyết định “lột xác” bằng cách xỏ khuyên.
Từ thời xa xưa, người La Mã, Hy Lạp và Ai Cập đã biết cách làm đẹp bằng hình xăm và khuyên tai. Vào thời đại ấy, nhiều người sẵn sàng chịu đựng đau đớn để chứng minh vị thế quan trọng của bản thân trong cộng đồng.
Ngày nay, Bod-Mod (Body Modification – Điều chỉnh cơ thể) đang là trào lưu mới mẻ được giới trẻ vô cùng ưa chuộng. Các vòng khuyên cùng nhiều nút kim loại lấp lánh đã và đang thu hút rất nhiều tín đồ trên toàn thế giới.
Một thống kê cho biết, khoảng 36% người trẻ trong độ tuổi 18 – 25 tại Hoa Kỳ từng xỏ khuyên tại các vị trí khác nhau trên cơ thể. Nếu đàn ông thường cài móc ở cằm, lưỡi, mũi hay vành tai thì phụ nữ lại thích xỏ khuyên ở mi mắt, lông mày, lưng, rốn, ngực…
Xỏ khuyên là gì?
Xỏ khuyên là châm kim vào vùng da hoặc vùng sụn nhằm tạo một lỗ dò trên cơ thể, sau đó gắn trang sức lên vị trí này. Tương tự xăm hình, xỏ khuyên là một trong những hình thức bộc lộ cá tính phổ biến nhất hiện nay. Ngoài ra, nhiều người cũng xỏ khuyên vì lý do thẩm mỹ, tôn giáo hoặc tình dục.
Quy tắc xỏ khuyên tương tự quy tắc xăm hình. Dái tai là khu vực xỏ khuyên phổ biến nhất bởi đây là vùng da mềm mại, nhiều sụn, ít đau. Tùy thuộc vào số lượng khuyên cũng như vị trí bấm/xỏ trên cơ thể, mức độ đau đớn sẽ hoàn toàn khác nhau.
Việc xỏ khuyên trên sụn mũi, vách ngăn mũi sẽ khiến bạn bị đau nhiều hơn, nhất là khi thợ xỏ không chuyên hoặc chưa lành nghề. Mức độ đau nhức sẽ tăng dần theo thứ tự sau: lông mày, môi, lưỡi, mặt trong của má.
Đối với các vị trí nhạy cảm như: mi mắt, lưỡi, rốn, đầu ngực, bộ phận sinh dục, độc giả nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiến hành nhằm hạn chế tối đa các cơn đau nhức và nguy cơ nhiễm trùng. Thêm vào đó, chất liệu và kích thước khuyên cũng ảnh hưởng lớn đến mức độ đau khi xỏ khuyên.
Do đó, hãy tìm hiểu thật kỹ và suy nghĩ cẩn thận trước khi xỏ khuyên. Ngoài ra, nếu đang mang thai, dùng thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược, bị tiểu đường, bệnh tim hoặc có sức đề kháng yếu, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định xỏ khuyên.
Quy trình xỏ khuyên
Quy trình xỏ khuyên tại các cơ sở uy tín, chất lượng tương đối tinh gọn, đơn giản với 8 bước cơ bản sau:
- Bước 1: Trước khi xỏ khuyên, bạn sẽ được thợ xỏ giới thiệu đầy đủ và tư vấn kỹ càng về xu hướng hiện tại cũng như chất liệu, đặc tính, kiểu dáng của từng mẫu khuyên.
- Bước 2: Người thợ sẽ làm sạch, khử trùng dụng cụ xỏ bằng máy hấp tiệt trùng.
- Bước 3: Thợ xỏ sẽ vệ sinh vị trí xỏ khuyên một cách cẩn thận, nhẹ nhàng bằng cồn 70 độ.
- Bước 4: Người thợ đánh dấu điểm xỏ bằng bút chuyên dụng, sau đó hỏi lại ý kiến khách hàng một lần nữa để đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu của họ.
- Bước 5: Thợ xỏ xỏ khuyên bằng kim y tế dùng 1 lần theo đúng kỹ thuật.
- Bước 6: Người thợ cố định khuyên tại điểm xỏ mà khách hàng yêu cầu.
- Bước 7: Thợ xỏ vệ sinh lỗ xỏ sau khi hoàn thành thao tác.
- Bước 8: Người thợ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc cùng những vấn đề cần lưu ý sau khi xỏ khuyên.
Các vị trí xỏ khuyên trên cơ thể
Ngày nay, không chỉ dừng lại ở việc tô điểm đôi tai, xỏ khuyên còn được thực hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể nhằm tôn vinh cá tính khác biệt của mỗi cá nhân.
Thái dương
Mức độ cá tính và mạo hiểm sẽ được nâng lên đáng kể nếu bạn xỏ khuyên tại vị trí này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hãy lựa chọn cơ sở xỏ khuyên chuyên nghiệp và uy tín.
Lông mày
Những chiếc khuyên ở lông mày không kín đáo, ý nhị như ở vùng tai mà nổi bật và đầy cuốn hút trong lần đầu tiên gặp gỡ. Tùy theo sở thích, bạn có thể lựa chọn xỏ khuyên tại những điểm khác nhau trên lông mày (hoặc cả hàng lông mày) để khẳng định cá tính độc đáo của mình.
Mũi
- Sống mũi: Nếu muốn có một trải nghiệm bùng nổ và mới lạ, người đọc có thể xem xét khu vực sống mũi, gần hai đầu mắt. Những người mẫu nổi loạn trên các sàn diễn thời trang thường ưu ái vị trí xỏ khuyên này. Dù theo đuổi phong cách nữ tính, dịu dàng hay độc lập, mạnh mẽ, xỏ khuyên tại sống mũi sẽ giúp đôi mắt bạn thêm sinh động, sắc sảo và đầy thần thái.
- Đầu mũi: Với tên gọi septum, vị trí xỏ khuyên này được hàng loạt sao nữ ưa chuộng như: Rihanna, Jessica Alba, Kendall Jenner…
Má
Những cô nàng hay cười hoặc muốn sở hữu đôi má lúm đồng tiền thường xỏ khuyên ở má để tạo thêm điểm nhấn cho khuôn mặt.
Môi
Tuy mỏng manh, mềm mại và nhạy cảm hơn các bộ phận khác trên khuôn mặt nhưng môi là vị trí xỏ khuyên mà độc giả không thể bỏ qua. Bạn có thể thử xỏ khuyên dưới môi, bờ môi dưới, bờ môi trên, giữa nhân trung…
Lưỡi
Vị trí xỏ khuyên ở lưỡi chứng tỏ người xỏ là một anh chàng/cô nàng vô cùng cá tính, nổi loạn, ưa phiêu lưu, mạo hiểm. Mọi người sẽ luôn chú ý đến bạn mỗi khi trò chuyện. Tuy nhiên, đây là điểm xỏ vô cùng nhạy cảm. Vì vậy, hãy chắc chắn về quyết định này, đồng thời đảm bảo tốt vấn đề vệ sinh răng miệng.
Nhân trung
Nhân trung là vị trí xỏ khuyên độc đáo, khẳng định phong cách mới lạ, không thể nhầm lẫn của bạn.
Lỗ tai
Dưới đây là 9 vị trí bấm hoa tai vừa quen thuộc, an toàn vừa lạ lẫm, thách thức mà bạn không thể bỏ lỡ.
- Bấm lỗ đơn: Đây là vị trí cơ bản nhất mà hầu như mọi cô gái đều từng thử qua. Hầu hết phụ nữ Á Đông đều bấm lỗ đơn lúc còn nhỏ hoặc khi bước vào độ tuổi dậy thì. Đơn giản, nhẹ nhàng, dịu dàng, thanh thoát là những ấn tượng trực quan nhất về kiểu xỏ khuyên này. Tuy nhiên, nếu có gu thẩm mỹ tốt, bạn hoàn toàn có thể trở nên sang trọng và cá tính hơn khi dùng những cặp hoa tai phù hợp.
- Bấm lỗ đúp: Hiện nay, rất nhiều mẫu khuyên thuộc đủ phong cách thời trang khác nhau sẽ làm bạn hài lòng. Nhiều người cực kỳ yêu thích kiểu xỏ này bởi lỗ xỏ thứ hai sẽ biến thành điểm nhấn giúp lỗ xỏ đầu tiên thêm phần cá tính và khác biệt.
- Xỏ vành tai (bấm lỗ helix): Đây là kiểu bấm được giới trẻ cuồng nhiệt yêu mến (đặc biệt là những người hâm mộ nhạc rock) vào giai đoạn cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21. Lỗ helix thường được xỏ tại vành trên của tai, gây đau nhiều và chỉ lành sau 3 – 6 tháng. Kiểu xỏ này rất hợp với khuyên đơn, đặc biệt là loại ear cuff, kết hợp cùng lỗ đơn ôm trọn vành tai.
- Xỏ phía trong vành tai: Kiểu xỏ này sẽ đưa chiếc khuyên xuyên qua phần sụn sâu trong lỗ tai. Do đó, bạn sẽ khá đau. Xỏ phía trong vành tai có 2 dạng là xỏ vành tai mặt trong và xỏ vành tai mặt ngoài.
- Xỏ lỗ ngang scaffold/industrial: Kiểu xỏ lỗ xuyên ngang vành tai có thể làm nổi bật cá tính của người xỏ. Các kiểu khuyên hình mũi tên rất phổ biến cho cách xỏ này.
- Bấm lỗ rook: Bấm lỗ rook là một thủ thuật tương đối phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Kiểu bấm này được thực hiện trên 2 phần sụn khác nhau, bao gồm sụn ở phần mặt trên và sụn ở phần mặt dưới bên trong lỗ tai. Tuy bấm lỗ rook rất đau nhưng lúc đeo khuyên ánh kim hoặc khuyên trắng bạc, bạn sẽ cảm thấy những các cơn đau kia hoàn toàn xứng đáng.
- Bấm lỗ dây chuyền: Với kiểu xỏ này, độc giả sẽ đeonhiều chiếc khuyên tai cùng loại xinh xắn với kích thước nhỏ dần trên những chiếc lỗ đơn ở dái tai. Các kiểu khuyên nhẫn hoặc dạng hạt lấp lánh sẽ vô cùng phù hợp với lối bấm tuyệt đẹp này. Chắc chắn ngoại hình của bạn sẽ trở nên cực kỳ nổi bật với kiểu bấm lỗ dây chuyền.
- Bấm lỗ daith: Với kiểu daith, khuyên được xỏ qua vùng sụn sâu nhất, nơi bắt đầu vành tai phía trong. Điểm xỏ này tương đối đau, thường lành sau 3 – 9 tháng.
- Bấm lỗ đúp ngược: Tương tự bấm lỗ đúp thường, bấm lỗ đúp ngược sẽ được tiến hành tại phần dưới của dái tai. Vì vậy, kiểu xỏ này sẽ khá lâu lành, đồng thời đòi hỏi nhiều công sức vệ sinh, giữ gìn. Thế nhưng, bạn chắc chắn không thể phủ nhận sức hút đặc biệt từ kiểu bấm này.
Cổ
Cổ là một trong những vị trí quyến rũ nhất trên cơ thể người phụ nữ. Vì vậy, một chiếc khuyên tai cổ sẽ khiến bạn thêm phần cuốn hút.
Đầu ngực
Vì chỉ được nhìn thấy bởi những người thực sự thân thiết nên vị trí xỏ khuyên này sẽ mang đến vẻ đẹp táo bạo, độc đáo và vô cùng khiêu khích. Kylie Jenner, Kendall Jenner, Cassie, Rihanna… đều rất ưa chuộng phong cách này. Khi diện những bộ trang phục mỏng manh, gợi cảm, các nàng sẽ để lộ một phần vùng khuyên e ấp khó cưỡng này.
Rốn
Xỏ khuyên rốn đang là trào lưu của giới trẻ. Điểm nhấn đặc biệt tại vị trí này sẽ khiến nàng trở nên ấn tượng, độc đáo và thu hút hơn bao giờ hết bởi những người xung quanh thật khó rời mắt khỏi vòng eo thon gọn của bạn.
Cổ tay, ngón tay
Nếu đã quá chán ngán với vòng đeo tay đơn giản hay những chiếc nhẫn bình thường thì chắc hẳn bạn sẽ vô cùng thích thú trước những chiếc khuyên lấp lánh trên cổ tay, ngón tay.
Xỏ khuyên có thể gây ra những biến chứng gì?
Tương tự xăm hình, xỏ khuyên có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bởi việc dùng các vật sắc nhọn đâm thủng làn da sẽ phá vỡ cấu trúc sinh học tự nhiên của cơ thể. Những sai sót về mặt kỹ thuật trong quá trình xỏ khuyên có thể dẫn đến dị ứng, chảy máu, nhiễm trùng da, viêm gan, lây truyền HIV…
Biến chứng tại chỗ
Các tổn thương thứ cấp từ việc xỏ khuyên thường xuất hiện với tỷ lệ khác nhau, tùy thuộc vào vị trí xỏ:
- Đầu ngực: 5%
- Mi mắt, cằm, lưỡi, bộ phận sinh dục: 8%
- Tai: 35%
- Rốn: 40%
Những biến chứng thường gặp nhất là chảy máu, rách mô, dị ứng, sẹo lồi, tổn thương thần kinh, nhiễm vi khuẩn (clostridium tetani, mycobacterium, pseudomonas, streptococcus, staphylococcus…), nhiễm virus (viêm gan B, viêm gan C, uốn ván, sùi mào gà, herpes, HIV…). Cụ thể:
- Nếu bạn xỏ khuyên tại lưỡi thì hiện tượng đau nhức và sưng phồng ở điểm xỏ có thể cảnh báo tình trạng dị ứng kim loại hoặc nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, chất liệu của khuyên trên lưỡi gây biến đổi giọng nói, làm giảm khả năng nhai nuốt, thậm chí tạo thành mô sẹo khiến các dây thần kinh lưỡi bị tổn thương.
- Nếu xỏ lỗ trong miệng, người xỏ phải đối mặt với nguy cơ bị chảy máu (do cọ xát), tắc nghẽn tuyến nước bọt và đường hô hấp (do hiện tượng hóc nữ trang hoặc sưng viêm), từ đó chức năng tiêu hóa suy giảm nghiêm trọng.
- Nếu xỏ khuyên ở đầu ngực, bạn có thể bị nhiễm trùng ống dẫn sữa.
- Nếu xỏ lỗ tại bộ phận sinh dục, người xỏ có thể bị tổn thương dây thần kinh cảm giác, tác động lớn đến đời sống tình dục và chuyện sinh đẻ về sau.
- Nếu xỏ khuyên ở rốn, bạn rất dễ bị nhiễm trùng bởi quần áo bên ngoài cản trở sự lưu thông của không khí, khiến vùng rốn thường xuyên ẩm và bẩn.
- Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của hình thức làm đẹp này chính là việc vô tình làm tăng nguy cơ lây truyền của các bệnh lý nguy hiểm như: viêm gan B, viêm gan C, sùi mào gà, uốn ván, HIV…
Biến chứng toàn thân
Xỏ khuyên có thể gây ra hàng loạt biến chứng toàn thân nghiêm trọng như:
- Chảy máu liên tục và kéo dài ở những người đang dùng thuốc kháng đông hoặc bị rối loạn chức năng đông máu.
- Viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng huyết ở dái tai, lưỡi, môi, rốn, đầu ngực… bắt nguồn từ sự viêm nhiễm trong quá trình xỏ khuyên.
Tuy là một thủ thuật tương đối đơn giản nhưng xỏ khuyên không phải lúc nào cũng thành công và hoàn toàn an toàn với sức khỏe của bạn. Do đó, việc tìm hiểu thông tin cụ thể, chăm sóc điểm xỏ cẩn thận và chủ động điều trị biến chứng (nếu có) trở nên vô cùng quan trọng và cần thiết.
Nếu bị dị ứng hoặc viêm nhiễm kéo dài, người xỏ buộc phải tháo khuyên để bảo vệ sức khỏe bản thân. Ngoài ra, người đọc cần lưu ý, hiện nay, để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, các cơ sở y tế không chấp nhận máu từ những người vừa xăm mình hoặc xỏ khuyên dưới 1 năm.
Một số vấn đề cần lưu ý khi xỏ khuyên
Ngày nay, trước khi xỏ khuyên, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định phù hợp. Liệu bạn đã thực sự sẵn sàng xỏ khuyên? Trước hết, hãy đọc kỹ những vấn đề cần lưu ý dưới đây:
Tìm hiểu cặn kẽ
Trong thời đại công nghệ 4.0, mọi người có thể dễ dàng lựa chọn những loại khuyên ưng ý từ nguồn thông tin khổng lồ trên internet. Các trang mạng xã hội (Facebook, Pinterest, Instagram) chứa đựng hàng triệu bức ảnh lung linh, cung cấp cho bạn nhiều gợi ý lý tưởng. Trước khi xỏ khuyên, người đọc cần chắc chắn về vị trí mà bạn thực sự muốn xỏ. Đồng thời, bạn cũng nên chuẩn bị một số phương án dự phòng nếu vị trí bạn yêu thích chưa/không đủ điều kiện để xỏ khuyên.
Trước khi đặt lịch hẹn thợ xỏ, bạn nhất định phải lựa chọn địa chỉ xăm xỏ uy tín, chuyên nghiệp và chất lượng nhất có thể. Hãy luôn đọc nhận xét của khách hàng cũ thật kỹ trước khi quyết định. Đảm bảo tiêu chuẩn tiệt trùng và vệ sinh chính là tiêu chí quan trọng hàng đầu mà độc giả cần cân nhắc kỹ.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy chủ động liên lạc trực tiếp với người thợ để được giải đáp cụ thể và đầy đủ. Thông qua cách trả lời của họ, bạn cũng phần nào đánh giá được liệu có nên “chọn mặt gửi vàng” tại đây hay không.
Suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi xỏ khuyên
Những người đam mê làm đẹp hoặc sưu tầm trang sức rất dễ nghiện xỏ khuyên. Hãy luôn tâm niệm rằng điều quan trọng nhất là chất lượng chứ không phải số lượng. Số lượng và vị trí đeo khuyên nên được xem xét sao cho cân đối, phù hợp và mang lại giá trị thẩm mỹ. Thêm vào đó, nếu xỏ 3 – 4 lỗ cùng một lúc, các vết thương sẽ chậm hồi phục hơn.
Lựa chọn chất liệu và loại khuyên phù hợp
Những món trang sức xinh đẹp, phù hợp có khả năng tôn vinh cơ thể của bạn tương tự một bộ quần áo vừa vặn, hợp thời. Các phụ kiện này sẽ đồng hành với bạn trong một khoảng thời gian tương đối lâu dài. Do đó, độc giả cần lựa chọn những mẫu khuyên khiến bạn cảm thấy thật thoải mái khi đeo. Những chiếc khuyên đơn giản, nhỏ nhắn sẽ phù hợp hơn những chiếc khuyên bản lớn với kiểu dáng bắt mắt, cầu kỳ.
Bên cạnh đó, một chiếc khuyên phù hợp sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, với khả năng hạn chế sự dị ứng và thúc đẩy quá trình chữa lành, vàng 14k, 18k, niobi, titan, thép không gỉ, bạch kim chính là những chất liệu ưu việt mà bạn đang tìm kiếm. Ngoài ra, người đọc cần lưu ý lựa chọn kim loại có màu sắc tương đồng với làn da.
Dùng kim thay cho súng bắn khuyên
Súng bắn khuyên thường đẩy khuyên qua lớp mô da với nhiều áp lực, gây ra cho bạn một số thiệt hại không đáng có. Việc khử trùng dụng cụ này cũng tương đối khó khăn. Trong khi đó, với một cây kim chuyên dụng, thợ xỏ có thể kiểm soát áp lực và góc xỏ tốt hơn. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên xỏ khuyên bằng kim.
Nắm vững thời gian lành vết thương
Tùy vào đặc điểm cấu tạo của vị trí xỏ khuyên, các vết thương sẽ có thời gian hồi phục khác nhau. Thông thường, vùng sụn sẽ chậm lành hơn khu vực thùy tai. Nếu các vết thương liền da, ngừng đau, không còn sưng đỏ, không tiết dịch thì vết thương đã bắt đầu lành hẳn. Thời gian lành vết thương trung bình của các bộ phận như sau:
- Lưỡi: 1 – 1,5 tháng
- Thùy tai: 1,5 – 2 tháng
- Môi: 2 – 3 tháng
- Lỗ mũi: 2 – 4 tháng
- Đầu ngực: 3 – 6 tháng
- Sụn tai: 4 – 12 tháng
- Rốn: 9 – 10 tháng
Chắc chắn người thợ đã khử trùng dụng cụ
Khử trùng toàn diện là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định thành công của cuộc xỏ khuyên. Chỉ cần một chút sơ sẩy, vết thương sẽ dễ dàng bị nhiễm trùng và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, hãy đảm bảo thợ xỏ của bạn đeo găng tay tiệt trùng, sử dụng khăn lau sạch sẽ cùng dụng cụ xỏ đạt chuẩn và đã được khử trùng cẩn thận.
Chăm sóc lỗ xỏ nhẹ nhàng
Để vết thương được chữa lành thành công 100%, bạn cần thực sự tập trung và kiên nhẫn.
- Một số cơ sở xỏ khuyên sẽ cho thêm thuốc kháng sinh nhằm phòng ngừa viêm nhiễm. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng đúng liều lượng, không lạm dụng.
- Tránh đụng chạm hoặc để các vật thể lạ tiếp xúc với bề mặt lỗ xỏ.
- Vệ sinh vết thương 2 – 3 lần/ngày bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý với xà phòng dịu nhẹ, sau đó thấm khô bằng bông y tế.
- Sử dụng đá lạnh để làm dịu chỗ sưng đau.
- Không dùng bàn tay bẩn đụng vào vết thương.
- Tránh chạm vào bàn phím, điện thoại, tay nắm cửa vì đây là các ổ vi khuẩn nguy hiểm.
- Dọn dẹp nhà cửa, giặt sạch quần áo, chăn mền và khăn tắm.
- Chỉ thay khuyên khi vết thương đã lành hẳn.
- Không mặc quần áo bó sát khi xỏ khuyên trên thân mình.
- Hạn chế trang điểm nếu xỏ khuyên trên khuôn mặt.
- Không ngâm mình trong bồn nước nóng hoặc tắm ở hồ bơi công cộng.
- Thường xuyên kiểm tra lỗ xỏ nhằm kịp thời xử lý khi bị nhiễm trùng.
- Nếu vết thương không lành, bị đau nhức, sưng tấy, có mủ đi kèm sốt cao, bạn nên tháo khuyên và sát trùng sạch sẽ. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài quá lâu, hãy đi khám bác sĩ để được can thiệp kịp thời.
Ăn uống đúng cách
Chế độ dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hồi phục vết thương. Sau khi xỏ khuyên, hãy tăng cường bổ sung các loại thực phẩm sau:
- Cá hồi giàu omega-3, có khả năng kháng viêm, giảm đau, hạn chế sưng tấy, hỗ trợ làm lành lỗ xỏ.
- Cam chứa nhiều vitamin C. Đây là dưỡng chất thiết yếu góp phần sản sinh protein và giúp vết thương hồi phục nhanh chóng.
- Lựu có hàm lượng vitamin A, C và các chất chống oxy hóa rất dồi dào. Do đó, loại trái cây này có thể làm giảm sưng viêm, đồng thời rút ngắn thời gian hồi phục.
Bên cạnh đó, độc giả cần tránh những loại thực phẩm sau:
- Rau muống và gạo nếp có thể dẫn đến tình trạng đau nhức, viêm nhiễm và mưng mủ tại lỗ xỏ.
- Thịt bò khiến lỗ xỏ biến thành sẹo thâm, ảnh hưởng lớn đến yếu tố thẩm mỹ.
- Thịt gà là thực phẩm gây mưng mủ, sưng tấy và làm vết thương thêm trầm trọng.
- Hải sản thường gây dị ứng, đồng thời ngăn cản quá trình hồi phục.
Hiện nay, dịch vụ xỏ khuyên ở nước ta xuất hiện tràn lan và chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng. Do đó, trước khi lựa chọn địa điểm xăm xỏ, bạn cần tìm hiểu thông tin thật kỹ và trực tiếp trao đổi với thợ xỏ hoặc bác sĩ chuyên khoa nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến hình thức làm đẹp này.