Độn thái dương là gì? Có nguy hiểm không? Giá bao nhiêu?

by Văn Luân
0 comment

Độn thái dương là phương pháp sử dụng filler, mỡ tự thân hoặc vật liệu nhân tạo để làm đầy thái dương, khắc phục khuyết điểm thái dương hõm sâu và thiếu sức sống. Phương pháp này có thể giúp phái đẹp sở hữu khuôn mặt thanh thoát, nhẹ nhàng và cân đối.

don-thai-duong-5

Độn thái dương là gì? Các phương pháp phổ biến

Thái dương là huyệt nằm ở  giữa đuôi mắt và chân tóc. Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trên khuôn mặt nhưng vùng thái dương ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình. Thực tế, vùng thái dương hõm do bẩm sinh hoặc do ảnh hưởng của tuổi tác đều khiến khuôn mặt trở nên già nua, kém rạng rỡ và đánh mất vẻ tự tin vốn có. Để khắc phục khuyết điểm này, nhiều nữ giới quyết định can thiệp phương pháp độn thái dương.

Độn thái dương là phương pháp thẩm mỹ sử dụng chất làm đầy, mỡ tự thân hoặc vật liệu nhân tạo để khắc phục khuyết điểm thái dương hõm, mất cân đối. Phương pháp này có thể mang lại khuôn mặt thanh thoát, cân đối và hài hòa.

Hiện nay, có 3 phương pháp độn thái dương chính là sử dụng chất làm đầy (filler), tiêm mỡ tự thân và sử dụng vật liệu độn (thường là silicon).

  • Độn thái dương bằng tiêm chất làm đầy (filler): Filler là chất làm đầy được sử dụng trong nhiều phương pháp thẩm mỹ nội khoa. Trong đó, acid hyaluronic (HA) là loại filler được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Đúng như tên gọi, tiêm filler có khả năng làm đầy nếp nhăn và vùng da lõm. Độn thái dương bằng cách tiêm chất làm đầy có thể khắc phục tình trạng thái dương sâu, lõm và hỗ trợ làm mờ các nếp nhăn ở vùng đuôi mắt.
  • Độn thái dương bằng mỡ tự thân: Phương pháp này sử dụng chính mỡ của khách hàng, đem xử lý ly tâm để lấy tế bào mỡ gốc. Sau đó tiêm trực tiếp vào vùng thái dương để khắc phục tình trạng thái dương hõm sâu. So với tiêm filler, phương pháp này được đánh giá cao vì hầu như không gây dị ứng và hiệu quả thẩm mỹ lâu dài hơn.
  • Độn thái dương bằng vật liệu nhân tạo: Độn thái dương bằng vật liệu nhân tạo (silicon) được thực hiện bằng cách phẫu thuật đặt miếng đệm vào vùng thái dương. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉnh sửa miếng silicon sao cho phù hợp với diện tích và độ sâu của vùng thái dương. Đường mổ sẽ được thực hiện ở chân tóc nhằm hạn chế tình trạng lộ sẹo sau khi phẫu thuật.

Các trường hợp nên – không nên độn thái dương

Độn thái dương có thể khắc phục khuyết điểm vùng thái dương hõm sâu, khuôn mặt góc cạnh, già nua và thiếu sức sống. Phương pháp làm đẹp này thích hợp với nam và nữ giới gặp phải các vấn đề sau:

  • Nam và nữ giới có vùng thái dương bị hõm sâu bẩm sinh
  • Người trung niên có vùng thái dương sâu, muốn khuôn mặt trở nên tươi trẻ và cân đối hơn
  • Vùng da ở thái dương chùng nhão, thái dương hơi hõm

Trong đó, độn thái dương bằng tiêm filler và mỡ tự thân thích hợp với trường hợp có thái dương hõm nhẹ, vùng da ở đuôi mắt có nhiều nếp nhăn và chảy xệ. Ngược lại, độn thái dương bằng vật liệu nhân tạo thích hợp với người có thái dương hõm sâu, khuôn mặt già nua và thiếu sức sống. Trong trường hợp này, tiêm filler và mỡ tự thân thường không đem lại hiệu quả rõ rệt.

Độn thái dương là phương pháp làm đẹp khá đơn giản. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, phương pháp này không được chỉ định cho những trường hợp sau:

Chống chỉ định đối với độn thái dương bằng tiêm filler:

  • Người bị rối loạn đông máu
  • Người dưới 18 tuổi
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Người có làn da nhạy cảm, dễ hình thành sẹo lồi hoặc đang mắc các bệnh da liễu như mụn bọc, chàm, phát ban, mề đay,…

Chống chỉ định đối với độn thái dương bằng phẫu thuật đặt silicon:

  • Tiền sử dị ứng với silicon
  • Rối loạn đông máu
  • Đang bị nhiễm trùng
  • Người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Người mắc các bệnh lý tim mạch
  • Người có tiền sử dị ứng thuốc gây mê, gây tê

Chống chỉ định đối với độn thái dương bằng tiêm mỡ tự thân:

  • Người cao tuổi, người chưa đủ 18 tuổi
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
  • Người bị tiểu đường, cao huyết áp
  • Người bị rối loạn đông máu
  • Người đang mắc các bệnh truyền nhiễm

Quy trình thực hiện độn thái dương

Độn thái dương là giải pháp làm đẹp tương đối đơn giản. Phương pháp này được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Thăm khám và tư vấn

Khách hàng có nhu cầu độn thái dương sẽ được bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thăm khám và đánh giá khuyết điểm ở vùng thái dương. Tùy theo khuôn mặt và nhu cầu của từng khách hàng, bác sĩ có thể tư vấn độn thái dương bằng tiêm filler, tiêm mỡ tự thân hoặc phẫu thuật đặt miếng silicon nhân tạo.

Bước 2: Kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm tổng quát

Trước khi tiến hành độn thái dương, bác sĩ sẽ yêu cầu khách hàng kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm tổng quát. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi khách hàng đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe. Đối với những trường hợp có nguy cơ, bác sĩ có thể dời ngày thực hiện hoặc tư vấn giải pháp thay thế trong trường hợp cần thiết.

Bước 3: Thực hiện độn thái dương

Tùy theo phương pháp khách hàng lựa chọn, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm filler, cấy mỡ tự thân hoặc phẫu thuật đặt miếng silicon để làm đầy thái dương, căng da mặt và làm mờ nếp nhăn ở đuôi mắt. Thời gian thực hiện có thể dao động khoảng 10 – 60 phút tùy theo phương pháp.

Bước 4: Kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn cách chăm sóc

Sau khi thực hiện, khách hàng sẽ được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn cách chăm sóc để vết mổ nhanh lành và giúp vùng thái dương trở nên đầy đặn, cân đối với cấu trúc của khuôn mặt.

Bước 5: Tái khám theo lịch hẹn

Để đảm bảo an toàn, khách hàng cần quay lại bệnh viện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Cách chăm sóc sau khi độn thái dương

Chăm sóc sau khi độn thái dương có vai trò rất quan trọng đến hiệu quả thẩm mỹ. Chăm sóc đúng cách giúp vùng thái dương trở nên cân đối và hài hòa. Ngược lại, chăm sóc sai cách có thể khiến vết mổ viêm nhiễm, hoại tử và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thẩm mỹ của phương pháp.

Vì vậy sau khi độn thái dương, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ:

  • Tránh để vết tiêm và vết mổ tiếp xúc với nước trong 1 tuần đầu tiên. Đồng thời cần vệ sinh vết mổ và vết tiêm bằng dung dịch sát trùng theo hướng dẫn.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định (nếu có).
  • Có thể dùng túi chườm xung quanh vùng thái dương để giảm sưng đau. Trong trường hợp đau nhiều, bạn có thể dùng thuốc giảm đau và chống viêm để cải thiện.
  • Nên nằm ngửa để tránh tỳ đè lên vùng thái dương.
  • Tránh các loại thực phẩm và thức uống dễ gây sẹo, thâm và ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi vết mổ như rau muống, thịt bò, gà, hải sản, đồ nếp, cà phê, rượu bia,…
  • Nghỉ ngơi tại nhà trong 1 – 3 ngày đầu tiên nếu độn thái dương bằng tiêm filler và tiêm mỡ tự thân. Trường hợp độn thái dương bằng miếng silicon, nên nghỉ ngơi trong ít nhất 5 – 7 ngày.
  • Chỉ nên vận động nhẹ nhàng trong 1 tháng sau khi độn thái dương và cần hạn chế tối đa các tác động mạnh lên vùng mặt.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt, đau đầu, buồn nôn, vết thương ứ mủ, lở loét,…

Độn thái dương có nguy hiểm không?

Mỗi phương pháp làm đẹp đều tiềm ẩn những rủi ro và biến chứng nhất định – đặc biệt là khi thực hiện tại những cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng. Ngoài ra, nguy cơ phát sinh biến chứng cũng có thể tăng lên đáng kể nếu chăm sóc không đúng cách, cơ địa nhạy cảm hoặc mắc các bệnh lý nội khoa.

Một số biến chứng sau khi độn thái dương:

  • Ứ đọng cục máu đông ở thái dương
  • Nhiễm trùng
  • Hai bên thái dương không đều nhau, mất cân đối và hài hòa
  • Tụ dịch
  • Tổn thương dây thần kinh số VII
  • Chảy máu kéo dài

Thực tế cho thấy, đa phần những trường hợp gặp phải biến chứng sau khi độn thái dương đều là do thực hiện ở những cơ sở kém chất lượng, chăm sóc không đúng cách, bị chấn thương mạnh lên vùng thái dương,… Vì vậy để giảm thiểu rủi ro khi áp dụng biện pháp này, cần lựa chọn địa chỉ độn thái dương uy tín, đáng tin cậy và tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ.

Độn thái dương hết bao nhiêu tiền?

Chi phí độn thái dương là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên, chi phí thực hiện tùy thuộc cụ thể vào từng phương pháp và một số yếu tố khách quan như cơ sở thực hiện, tay nghề của bác sĩ, chất liệu silicon, loại filler,…

Theo khảo sát, chi phí độn thái dương có thể dao động từ 25 – 30.000.000 đồng/ đối với phẫu thuật đặt miếng silicon; 20 – 25.000.000 đồng/ đối với phương pháp cấy mỡ tự thân. Nếu tiêm filler, mức giá có thể chênh lệch tùy vào độ lõm sâu của vùng thái dương. Trung bình, mỗi cc filler có giá dao động khoảng 350 – 600USD.

Ưu điểm và hạn chế của từng phương pháp độn thái dương

Độn thái dương là giải pháp dành cho những người có vùng thái dương lõm sâu, đuôi mắt chảy xệ và có nhiều nếp nhăn. Nếu đang băn khoăn trong việc lựa chọn phương pháp độn thái dương, bạn có thể cân nhắc giữa ưu điểm – hạn chế của từng phương pháp để dễ dàng hơn khi đưa ra lựa chọn.

Độn thái dương bằng tiêm filler:

Ưu điểm:

  • Quy trình thực hiện đơn giản, thời gian nhanh chóng (10 – 15 phút)
  • Không phải can thiệp phẫu thuật và mang lại hiệu quả ngay sau khi thực hiện
  • Có khả năng làm mờ nếp nhăn, căng da tự nhiên và cho hiệu quả thẩm mỹ cao
  • Không cần phải nghỉ dưỡng, thời gian phục hồi nhanh và hoàn toàn không để lại sẹo
  • Chi phí tương đối hợp lý

Hạn chế:

  • Kết quả chỉ duy trì được 6 – 12 tháng tùy theo cơ địa khách hàng
  • Chỉ mang lại hiệu quả khi vùng thái dương lõm nhẹ. Trường hợp thái dương lõm sâu thường không có hiệu quả rõ rệt khi áp dụng phương pháp này

Độn thái dương bằng cấy mỡ tự thân:

Ưu điểm:

  • Có độ an toàn cao và hầu như không gây kích ứng, dị ứng do sử dụng mỡ của chính khách hàng
  • Có thể loại bỏ mỡ thừa ở cằm, sau đó sử dụng để làm đầy thái dương
  • Mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao, giúp khuôn mặt trở nên hài hòa và cân đối
  • Không phải nghỉ dưỡng, thời gian phục hồi nhanh và ít xảy ra biến chứng

Hạn chế:

  • Chi phí khá cao (khoảng 20 – 25.000.000 đồng)
  • Hiệu quả chỉ kéo dài 1 – 2 năm tùy theo cơ địa của từng khách hàng

Độn thái dương bằng độn miếng silicon:

Ưu điểm:

  • Khắc phục được khuyến điểm vùng thái dương lõm sâu do bẩm sinh hoặc ảnh hưởng của tuổi tác
  • Mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao và lâu dài
  • Tạo đường nét khuôn mặt tự nhiên, hài hòa và cân đối với cấu trúc khuôn mặt

Hạn chế:

  • Không phù hợp với người có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng
  • Chi phí cao (25 – 30.000.000 đồng)
  • Mất thời gian nghỉ dưỡng và có thể để lại sẹo nếu không chăm sóc đúng cách

Một số vấn đề liên quan đến độn thái dương

Độn thái dương là phương pháp làm đẹp được nhiều người lựa chọn. Bằng cách khắc phục vùng thái dương hõm sâu, phái đẹp có thể xóa mờ dấu vết tuổi tác, lấy lại khuôn mặt rạng ngời, tràn đầy sức sống và sự tươi trẻ.

Tuy nhiên trước khi quyết định thực hiện, nhiều người còn băn khoăn về hiệu quả thẩm mỹ, thời gian hiệu lực,… của phương pháp này. Dưới đây là một số thông tin giải đáp về các thắc mắc liên quan đến phương pháp độn thái dương.

1. Độn thái dương có vĩnh viễn không?

Độn thái dương có vĩnh viễn không là vấn đề được nhiều nữ giới quan tâm bởi ai cũng muốn sở hữu khuôn mặt hài hòa và cân đối lâu dài. Theo các chuyên gia thẩm mỹ, mỗi phương pháp độn thái dương sẽ có thời gian hiệu lực khác nhau. Trong đó, độn thái dương bằng tiêm filler có thời gian hiệu quả ngắn nhất (chỉ khoảng 6 – 12 tháng), tiếp đến là độn thái dương bằng phương pháp cấy mỡ (1 – 2 năm).

Làm đầy thái dương bằng miếng độn silicon được đánh giá phương pháp tối ưu nhất hiện nay. Phương pháp này có thể duy trì kết quả trong thời gian dài (khoảng 10 năm hoặc hơn). Theo thời gian, miếng silicon có thể bị co rút và bạn phải tiến hành phẫu thuật lại nếu muốn duy trì hiệu quả thẩm mỹ.

2. Độn thái dương có sưng, đau không?

Độn thái dương là phương pháp thẩm mỹ tương đối khá đơn giản. Tuy nhiên do có xâm lấn mô nên phương pháp này có thể gây sưng đau nhẹ trong 1 – 2 ngày đầu.

Mức độ sưng đau tương đối nhẹ và hoàn toàn có thể thuyên giảm sau khi chườm đá. Đối với trường hợp thực hiện phẫu thuật độn thái dương, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau, chống viêm để làm giảm các triệu chứng khó chịu.

3. Độn thái dương có bị lộ không?

Độn thái dương bị lộ là tình trạng thường gặp khi thực hiện ở những cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng. Tình trạng này thường xảy ra do bác sĩ tay nghề yếu kém, tạo hình miếng độn silicon không phù hợp khiến vùng thái dương bị cộm và trở nên kém tự nhiên. Hoặc có thể do chăm sóc sau hậu phẫu không đúng cách khiến miếng silicon lệch ra khỏi vị trí ban đầu.

Trong trường hợp thực hiện ở những địa chỉ uy tín và chăm sóc đúng cách, vùng thái dương sau khi chỉnh sửa sẽ trở nên đầy đặn, tự nhiên và hoàn toàn không bị lộ nếp.

4. Độn thái dương có hại không?

Trong những năm gần đây, số ca phẫu thuật thẩm mỹ hỏng tăng lên đáng kể. Điều này khiến cho phái đẹp e dè trong việc can thiệp các phương pháp làm đẹp xâm lấn. Chính vì vậy, rất nhiều bạn đọc thắc mắc liệu Độn thái dương có hại hay ảnh hưởng gì không?

Thực tế cho thấy, độn thái dương có thể gây nhiễm trùng, bầm tím, tụ dịch, căng tức dữ dội, hoại tử,… nếu thực hiện ở những thẩm mỹ viện kém chất lượng. Vì vậy để đảm bảo an toàn khi can thiệp phương pháp này, bạn cần lựa chọn địa chỉ uy tín và đáng tin cậy.

Độn thái dương là giải pháp dành cho những người có vùng thái dương hõm sâu, nhiều nếp nhăn và chùng nhão. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc có thể lựa chọn được phương pháp làm đẹp phù hợp với khuyết điểm, cấu trúc khuôn mặt, nhu cầu và khả năng tài chính.

Related Posts

Leave a Comment